Bài viết là phân tích mang tính cá nhân của tác giả; là một du học sinh tự túc, hiện đang học cử nhân năm hai, chuyên ngành Kế toán tại Đại học Wollongong; về vấn đề nên ở hay nên về của du học sinh Úc sau tốt nghiệp.
Nội dung bài viết
1. Về quyết định ở lại
Là du học sinh, là sinh viên trên ghế nhà trường Úc; tôi và mọi người có khoảng thời gian dài làm quen với văn hóa; môi trường làm việc của nước sở tại. Vì vậy, khi chọn ở lại; tôi sẽ được vận dụng kiến thức ngành bằng tiếng Anh đã học. Còn gì hạnh phúc hơn niềm vui được cống hiến; được chứng tỏ thực lực của bản thân; được nhìn thấy thành quả của quá trình học tập của mình? Cảm giác trở thành cá nhân có ích cho cộng đồng sẽ giúp sinh viên mới tốt nghiệp tự tin hơn vào bản thân nhiều.
Nếu được ở lại Úc, tôi sẽ có cơ hội được áp dụng kiến thức tiếng Anh vào công việc
Không chỉ có niềm vui từ công việc; tôi nghĩ sinh viên cũng sẽ hài lòng với cảm giác được đền đáp xứng đáng với giá trị sức lao động bỏ ra. Tính toán với mức thu nhập trung bình $4,700/tháng của ngành kế toán; và chi phí ăn tiêu ‘kịch kim’ khoảng $3,200/tháng; tôi vẫn sẽ còn dư một khoản để tiết kiệm hoặc gửi về; tránh gặp tình trạng ‘giữa tháng đã cháy túi’.
Với đồng lương Úc, tôi có thể tiết kiệm được một khoản sau chi trả sinh hoạt phí
Tất nhiên, tôi chưa xét những trường hợp bị bó buộc tài chính như vay mượn tiền du học; hay bị bó buộc tài năng như học ngành ‘cao siêu’; vì những cá nhân ấy thì thực sự cần phải ở lại. Trở về nhà sau tốt nghiệp thực sự không lợi bằng việc ở lại kiếm tiền trả nợ; hay để làm những công trình tên lửa, hạt nhân, hóa học…mà ở nhà chưa có đủ cơ sở vật chất để phát huy tiềm năng nghiên cứu.
2. Mặt trái của quyết định ở lại
Từ sự cạnh tranh trong quá trình tuyển dụng
Đương nhiên; để có được một vị trí tốt; tôi hiểu rằng; cần sẵn sàng cạnh tranh với hàng ngàn thí sinh khác; quốc tế và bản địa; những người vừa tốt nghiệp và có tấm bằng giống mình. Không dễ dàng gì; khi để nhận được một cuộc gọi phỏng vấn; bạn phải chấp nhận thất nghiệp hàng vài tháng trời; đọc ‘nhẵn mặt’ hàng nghìn thư từ chối của nhà tuyển dụng. Và nhất là phải ‘chạy đua’ với thời hạn visa; khi bạn thường xuyên nghe những câu chuyện được nhận làm khi visa chỉ còn… vài tuần.
Nhưng theo tôi; nếu đã có cơ hội được đi du học; thì tôi cũng nên dũng cảm thử sức mình. Ít nhất là trong khoảng thời gian gần tốt nghiệp; nên tìm hiểu kĩ hạn visa; hoặc gia hạn bằng diện Tốt nghiệp tạm thời. Cứ cố gắng hết mình; nếu được nhận sẽ ở lại tích lũy kinh nghiệm; nếu không thì cứ lạc quan và chuẩn bị tinh thần về Việt Nam làm việc.
Tới những khó khăn của cuộc sống
Khi nói về lợi ích của cuộc sống ở lại; tôi cũng xin nói thêm là ở lại không có nghĩa là sung sướng hơn. Cuộc sống của bạn bề bộn lắm và vất vả lắm. Khi chỉ một mình nơi xứ người; bạn luôn trong trạng thái tự gánh vác công việc của bản thân; hiếm có ai để lắng nghe tâm sự.
Nhiều lúc nỗi cô đơn, buồn tủi khiến bạn chỉ muốn bay thật nhanh về nhà để nhận được gia đình đùm bọc; xua tan đi cảm giác nơi ‘đất khách quê người’. Suy nghĩ về bố mẹ ở nhà chưa ai săn sóc; về những hứa hẹn sum họp cùng gia đình…cũng là những ý nghĩ luôn thường trực khi sống xa nhà.
Còn nữa, nếu lúc học bạn có bố mẹ giúp đỡ tài chính; sau tốt nghiệp ai sẽ lo liệu chi phí sinh hoạt trong lúc bạn thất nghiệp? Không còn học bổng; không còn nguồn chu cấp; bạn sẽ cần đi làm hai hoặc ba công việc tạm thời cùng lúc để trang trải đủ sinh hoạt phí.
Phải xác định tự làm thêm để chi trả sinh hoạt phí trong khi đang tìm việc
Và một khi đặt quyết tâm ở lại, cũng sẽ chỉ có mình bạn tự tìm hiểu hợp đồng lao động, nộp visa; tìm hiểu luật và những khoản chi trả bảo hiểm, gói lương hưu; khi vẫn còn đang bận bù đầu với luận văn tốt nghiệp. Điều đó nghe cũng…đáng sợ lắm chứ. May mắn lắm là khi bạn kết nghĩa được với người thân thiết để giúp đỡ và học hỏi kinh nghiệm ở xứ người.
3. Về nhà cũng cần dũng cảm
Khi về nhà; bạn nên nhớ sẽ cần phải thích nghi lại với phong cách làm việc tại Việt Nam. Khoảng thời gian ‘làm lại’ này sẽ dài, sẽ nhiều thử thách. Nhiều khi dẫn đến nản lòng; vì giai đoạn đầu không khởi sắc như du học sinh thường kỳ vọng. Bởi dù có tấm bằng nước ngoài; không phải nghiễm nhiên bạn sẽ được tôn trọng; được đối xử ưu ái hơn các sinh viên trong nước. Khi nhận được tấm bằng đại học rồi, bạn sẽ nhận ra; còn rất nhiều yếu tố chi phối sự thành công của một cử nhân, như là một mạng lưới quan hệ tốt.
Thế nên, thời gian đầu khi về nước; chắc chắn bạn sẽ thiệt hơn sinh viên khác về mảng đối ngoại; bởi thời gian bạn du học 3-4 năm bên phương trời tây; nhiều bạn đã từng bước xây dựng được quan hệ với bạn bè, giáo viên; rồi sau dần đến các công ty mà họ làm thêm hay thực tập; để có thể giúp đỡ họ khi cần.
Rồi thì tuy không bị ‘sốc’ văn hóa, nhưng cũng có rất nhiều khiếm khuyết trong xã hội mà bạn nên học cách chấp nhận; như vấn đề an toàn thực phẩm, văn hóa ứng xử, ô nhiễm môi trường, thủ tục hành chính; tránh so sánh để rồi thất vọng. Thế nhưng bù trừ vào đó lại là những điều quen thuộc, những con người thân thương mà chẳng gì ở trời Tây có thể bì được.
4. Tạm kết
Tôi luôn ưu tiên việc ở lại kiếm việc làm, phát huy khả năng của bản thân trong vòng khoảng 5 năm trước khi chọn được phương hướng tiếp theo. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, tôi quan niệm rằng; việc ở hay về là tùy vào bản thân từng người. Quan trọng là sinh viên cần phải biết mình là ai; trước tiên phải hài lòng với quyết định của mình, bất kể là ở hay về thì mới giúp ích được cho những người xung quanh và Tổ quốc.