Đối với nhiều bạn học sinh – sinh viên Việt Nam, môn Ngữ Văn (đặc biệt là tiết Tập Làm Văn) có thể gọi là một … cơn ác mộng có thật. Viết văn bằng tiếng Việt đã khó, viết tiếng Anh còn có vẻ là chuyện “không tưởng” hơn nữa. Nhưng nếu muốn giỏi tiếng Anh, chắc chắc bạn không thể trốn tránh “nỗi sợ” này. Nên thay vì trốn tránh nó, hãy cùng EFA Việt Nam bỏ túi 7 mẹo hay ho – biết đâu, bạn lại thấy viết văn bằng tiếng Anh thú vị hơn mình tưởng!
Viết tiếng Anh là một trong những kỹ năng khó nhất đối với đa số người học tiếng Anh. Viết không chỉ đòi hỏi bạn phải vận dụng thuần thục ngữ pháp và chính tả nói chung. Bạn còn phải kết hợp chúng với một vốn từ vựng phong phú, một lối viết lôi cuốn. Và điều khó khăn nhất là bạn phải … hoàn toàn sáng tạo ra chúng.
Với khối lượng kiến thức như vậy được tích hợp chỉ trong một kỹ năng, không trách được có nhiều bạn học sinh – sinh viên hay thậm chí những người đã đi làm thật sự “sợ” phải viết. Tuy nhiên, việc luyện viết sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nếu bạn áp dụng một số mẹo nhỏ sau:
Nội dung bài viết
1. Nói ra, sau đó viết lại
Nói chuyện một mình nghe có vẻ hơi… không chính thống nhưng hãy cứ bắt đầu bằng việc nói ra suy nghĩ trong đầu của bạn. Văn nói tuy có cách hành văn khác biệt so với văn viết nhưng lại dễ hình thành hơn. Và đừng vội vã quy phục trước khó khăn và phụ thuộc vào những công cụ tìm kiếm Internet. Khi đứng trước một đề tài, bạn nên lắng nghe ý tưởng của bạn trước tiên. Văn học sử dụng tiếng Anh đánh giá rất cao tính cá nhân, vì vậy hãy có chính kiến trong mọi vấn đề nhé!
2. Sử dụng những từ ngữ phổ biến
Đừng buộc mình phải dùng những từ khó. Hãy chọn những từ đơn giản và có sức truyền cảm mạnh mẽ hơn. Bạn có thể nghĩ rằng việc dùng những từ mà hầu hết mọi người đều biết và hiểu nghĩa sẽ rất nhàm chán – nhưng khi kĩ năng viết của bạn chưa vững thì an toàn vẫn hơn. Ví dụ:
• Từ lạ: It was a blistering day.
• Từ quen thuộc: It was a hot day.
3. Dùng câu ngắn
Không như cách hành văn hoa mỹ thường thấy trong văn chương Việt Nam; cách hành văn Anh ngữ lại ưu chuộng lối viết ngắn, khúc triết và đi thẳng vào vấn đề. Đừng tự làm khó mình bằng những câu dài với cấu trúc phức tạp – chúng là phần để dành khi bạn tự tin rằng mình không sai chính tả và ngữ pháp nữa.
Ví dụ:
• Dài : My advice to you is always to remember to take an umbrella; you never know when it might rain.
• Ngắn: Don’t forget to take an umbrella.
4. Dùng câu rõ ràng
Nếu bạn có nhiều ý muốn diễn đạt thì hãy chia thành những câu ngắn. Chia ý thành những câu văn ngắn giúp cho câu văn rõ nghĩa hơn và người đọc sẽ cảm thấy dể hiểu hơn.
Ví dụ:
• Không rõ: The school year has just started and I am so excited, my teacher is really nice, I bought all my books, and I even made some great new friends.
• Rõ: I am so excited about school this year. I like my teacher. I bought all my books. The kids in my class are nice, I have made new friends.
5. Đọc lại bài viết
Hãy đọc lại bài viết của mình, và trả lời những câu hỏi sau đây:
• Bài viết đã rõ ràng chưa?
• Tất cả các ý cần diễn đạt đã diễn đạt được chưa?
• Bạn có cảm thấy hài lòng với những gì mình đang đọc không? ( hãy nhớ là bạn đã viết nó đấy nhé!)
6. Sử dụng ít từ ngữ
Less is more – sau khi đã hoàn thành, hãy xóa khoảng 20% số từ không cần thiết hoặc không quan trọng trong bài. Dùng nhiều từ ngữ không chứng tỏ được điều gì – nó khiến bài viết của bạn có vẻ phô trương, sáo rỗng và sính từ ngữ. Và đương nhiên là bạn không muốn thế rồi.
7. Vứt bỏ đi những thứ không cần thiết!
Trước hết, bạn phải là người độc giả nghiêm khắc nhất của chính mình. Nếu có thể, hãy thật khắc nghiệt với bản thân trước khi để người khác làm vậy. Đúng vậy! Đừng vội hài lòng: hãy loại bỏ, xóa những thứ không cần thiết đi. Ngày mai, bạn sẽ viết một bài mới khác! Và đây là cách những đại văn hào rèn luyện kỹ năng viết của họ đấy.