Thông thường, khi đọc một bài viết, mọi người hay vận dụng chiến lược “đọc để lấy nội dung”. Lợi ích của phương pháp này là nhanh chóng nắm được các ý chính mà không phải tốn nhiều công sức. Tuy vậy, để tối đa hóa ích lợi của đọc, bạn cũng cần lưu ý một vài điều. Trong bài viết này, EFA Việt Nam sẽ giúp các bạn nắm được phương pháp đọc hiểu tiếng Anh hiệu quả nhất.
Nội dung bài viết
Khái quát về chiến lược “đọc để lấy nội dung”
Đặc điểm nổi bật của chiến lược này tránh sự chú ý đến các “từ ngữ pháp” (function words). Có thể là mạo từ, giới từ, liên từ… Thay vào đó, bạn chỉ nhìn những từ chỉ nội dung (content words). Cũng chẳng cần để ý đến dạng thức của từ hay cách viết chính xác một từ, và bỏ qua những từ mới không làm ảnh hưởng tới việc hiểu nội dung của bài đọc.
Function words có thể không giúp bạn hiểu bài đọc. Nhưng bạn lại cần chúng để diễn đạt ý kiến của mình. Do vậy, nếu không chú ý tới những từ như mạo từ và giới từ, bạn sẽ không thể sử dụng chúng trong các câu của riêng bạn một cách chính xác được.
Hướng dẫn cách đọc hiểu
Bài viết này sẽ giới thiệu với các bạn phương pháp đọc “ngừng và ngẫm” – một cách thức nhằm giúp bạn không còn mắc những lỗi ngữ pháp cơ bản khi diễn đạt bằng tiếng Anh. Trong lúc đọc một đoạn văn, bạn cần xử lý các câu trong đó như sau:
1. Dừng lại ở những chỗ đáng quan tâm
Đó có thể là từ mới, cách sử dụng một từ, cấu trúc ngữ pháp, kết hợp từ, cụm từ… Chẳng hạn, bạn hãy dành mấy giây để ngẫm nghĩ về việc tại sao trong bài lại sử dụng “make of” mà không phải là “make from” hay “make in”. Tại sao lại dùng “”thin lips” mà không dùng “slight lips”. Hay cụm từ “come up with a new idea” có ý nghĩa gì?
2. Đặt câu hỏi
Nếu câu đó có một cụm từ có thể ứng dụng được, bạn hãy tự hỏi: Liệu mình có thể tự diễn đạt được một câu tương tự không? Mình có sử dụng đúng thì, đúng mạo từ và giới từ không? Mình có sử dụng được chính xác thứ tự từ như thế không? Nếu bạn không chắc chắn, hãy luyện đọc to hay đọc thầm một câu tương tự, để đưa cách diễn đạt đó vào kho từ vựng của bạn.
3. Đoán nghĩa và kiểm tra lại
Nếu cần thiết, hoặc nếu cảm thấy thích, bạn hãy sử dụng từ điển để tra nghĩa của từ trong câu và xem thêm cả các mẫu câu ví dụ. Việc này sẽ giúp tăng khả năng sử dụng từ của bạn, từ đó việc đọc hiểu không còn quá nhiều khó khăn nữa.
4. Vừa đọc vừa ghi chép
Một quyển sổ để ghi chép trong lúc đọc sẽ vô cùng hữu ích. Nhất là khi bạn bắt gặp những cấu trúc hay ho. Hay khi bạn muốn ghi nhớ cấu trúc mới. Nếu bạn không thích dừng việc đọc lại (để tra từ điển hay để bổ sung cụm từ vào sổ tay), hãy gạch chân hoặc highlight cụm từ đó lại . Bằng cách này, bạn có thể quay lại “xử lý” các câu đó sau.
Một lời khuyên quan trọng nữa là không phải lúc nào bạn cũng cần sử dụng chiến lược đọc này khi đọc hiểu. Đọc theo cách này khá tốn công sức. Vì vậy, đừng thực hiện khi bạn đang mệt mỏi sau mấy tiếng đọc triền miên. Cũng đừng chú ý ở mức độ như nhau với tất cả các câu. Điều đó mất rất nhiều thời gian và công sức. Hãy đọc có chọn lựa để đạt hiệu quả tối ưu!