Với xu hướng đổi mới giáo dục hiện nay, khái niệm giáo dục khai phóng, hay còn gọi là Liberal Arts Education, ngày càng nhận được sự quan tâm từ các bậc phụ huynh phương pháp giảng dạy chú trọng “dạy người”, thay thế cho xu hướng “dạy chữ” (dạy kiến thức) như cách giáo dục đại học truyền thống.

Liberal Arts Education (tạm dịch là giáo dục khai phóng) là mô hình giáo dục bậc đại học hiện đang được áp dụng rộng rãi tại tại Hoa Kỳ, các quốc gia tiên tiến có nền giáo dục phát triển tại châu Âu, châu Á với đặc trưng là đào tạo linh hoạt, chú trọng cả chiều rộng và chiều sâu của môn học, khuyến khích các môn liên ngành, tăng cường khả năng lựa chọn cho sinh viên. Tuy nhiên, chính bởi khái niệm này vẫn còn khá lạ lẫm với mô hình giáo dục tại Việt Nam nên vẫn còn tồn tại sự hiểu lầm về giáo dục khai phóng. Hãy cùng EFA Việt Nam cùng tìm hiểu về một số thông tin và giải đáp về nền giáo dục này nhé!

  1. Học đại học khai phóng (Liberal Arts College) không phải học về nghệ thuật hay tự do

Nhiều người cho rằng cụm từ “liberal arts” trong “liberal arts college” là “nghệ thuật tự do”, hay múa hát nhạc hoạ. Trên thực tế, chương trình học của Liberal Arts College không liên quan đến “arts” theo nghĩa đó, Liberal Arts College được dịch sang tiếng Việt là “đại học khai phóng”.

Một ví dụ điển hình là Mark Zuckerberg, nhà sáng lập của Facebook. Cấp Ba anh học tiếng Latin, lên đại học anh học chuyên ngành tâm lý, ra trường anh làm việc liên quan đến môn kỹ thuật máy tính và môn hành vi của người tiêu dùng. Nhờ có chuyên môn ở nhiều lĩnh vực, Mark đã thành công khi thành lập và điều hành trang mạng xã hội có lượng người dùng lớn nhất thế giới hiện nay.

  1. Đại học khai phóng không chỉ dạy khoa học xã hội

Nếu chưa hiểu sâu về giáo dục khai phóng, nhiều người thường nhầm lẫn rằng mô hình này chỉ dạy các ngành khoa học nhân văn, khoa học xã hội. Trên thực tế, các chương trình đào tạo khai phóng rất đa dạng, bao gồm 4 lĩnh vực chính:

  • Nhân văn (Humanities): Văn học, Ngôn ngữ học, Lịch sử, Triết học…
  • Khoa học xã hội (Social Sciences): Nhân chủng học, Kinh tế học, Xã hội học, Tâm lí học, Luật…
  • Khoa học tự nhiên (Natural Sciences): Toán, Hoá, Sinh, Vật lý, Địa lý, Khoa học Trái đất, Khoa học Môi trường,…
  • Nghệ thuật (Creative Arts): Lịch sử nghệ thuật, Kịch sân khấu, Âm nhạc, Nghệ thuật thị giác…

Nhờ nền giáo dục chú trọng kiến thức liên ngành, sinh viên từ đại học khai phóng được cung cấp một nền tảng kiến thức rộng vừa đủ để lựa chọn chuyên ngành phù hợp với bản thân mình.

  1. Giáo dục khai phóng không bắt buộc bạn phải học toàn diện tất cả các môn học

Về cơ bản, giáo dục liên ngành và toàn diện là một phần của đại học khai phóng, nhưng định nghĩa “toàn diện” hoàn toàn dựa vào góc nhìn và lựa chọn của sinh viên. Xét về ý nghĩa, “khai” mang ý nghĩa khai mở, mở rộng ra các lựa chọn khác nhau, “phóng” là giải phóng khỏi những quan điểm, tiêu chuẩn mà mình nghĩ là bắt buộc có để thành công. Thay vì dạy học một cách toàn diện, đại học khai phóng định hướng để sinh viên không chú trọng vào duy nhất một lĩnh vực chuyên môn và tự mở ra cơ hội để học nhiều thứ khác nhau.

  1. Đại học khai phóng là một sự lãng phí thời gian và tiền bạc?

Nhiều người cho rằng giáo dục khai phóng là một sự lãng phí vì sinh viên học cả những môn không trực tiếp liên quan đến chuyên ngành. Tuy nhiên, đặc trưng của giáo dục khai phóng là dạy những kỹ năng giúp người học có thể thành công trong bất kỳ môi trường nghề nghiệp nào. Sứ mệnh của giáo dục đại học xét cho cùng để “giúp cho người học hiểu được và quản lý được những thay đổi đang diễn ra trong xã hội”.

Các sinh viên tốt nghiệp đại học khai phóng có các kỹ năng linh hoạt cần thiết để thích ứng với môi trường làm việc hay thay đổi, đồng thời có khả năng sáng tạo vượt trội.

  1. Liệu tốt nghiệp từ đại học khai phóng khó xin việc làm?

Điểm lợi của giáo dục khai phóng chính là tư duy mở, khả năng thích nghi cao và cách nhìn vấn đề toàn diện, nhiều khía cạnh. Vì vậy, nhiều CEO top đầu trong lĩnh vực công nghệ đánh giá cao các sinh viên tốt nghiệp đại học khai phóng.

Giáo dục khai phóng góp phần phá vỡ mối quan hệ một – một giữa ngành và nghề, nghĩa là học một ngành và ra làm chỉ một ngành hay nghề đó. Từ một ngành, sinh viên có thể làm rất nhiều nghề, một nghề có thể đến từ nhiều ngành học khác nhau. Trên thực tế, một văn phòng luật vẫn thuê sinh viên tốt nghiệp ngành Văn học, ngành ngôn ngữ  Anh hoặc sinh viên ngành Triết học để làm những vị trí khác nhau tùy vào kiến thức và kỹ năng thực tế của họ. Chính bởi vậy, mô hình giáo dục khai phóng có thể coi là tấm vé quan trọng cho sinh viên theo học nhằm tăng cơ hội tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó nền giáo dục này cũng giúp cho họ được trang bị khả năng thích ứng với các công việc khác nhau, do đó linh hoạt hơn trong việc bổ sung nguồn lao động còn thiếu của xã hội tại từng thời điểm. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.