Dạng bài Form Completion (Điền vào chỗ trống) trong IELTS Listening là một dạng bài thi “vừa dễ vừa khó”. Nếu bạn muốn đạt điểm cao và tránh những “chiếc bẫy vô hình” trong bài thi này, bạn nên chuẩn bị cho mình những “chiến thuật” tốt nhất. Thông qua bài viết này, EFA Việt Nam sẽ chia sẻ với bạn các cách “siêu bổ ích” để “chinh phục” dạng bài Form Completion nha!

  1. Form Completion là gì?

Có thể nói, Form Completion (Hoàn thành biểu mẫu) là một trong những dạng câu hỏi thường xuất hiện trong Section 1. Với phần thi này, thí sinh sẽ lắng nghe cuộc trò chuyện giữa ít nhất 2 người. Sau đó, dựa vào các thông tin trong phần hội thoại để hoàn thành các câu hỏi trong biểu mẫu. Trong section 1, thông tin được yêu cầu để điền vào dạng form completion này thường là tên, địa chỉ, ngày tháng và số. Thông thường dạng bài này sẽ yêu cầu bạn điền từ 1 tới 3 từ (hoặc số, dãy số) được nhặt ra trong bài nghe (tức là bạn phải điền chính xác, không được phép sai).

  1. Các bước làm bài Form Completion

Bước 1. Chú ý lắng nghe phần giới thiệu trước khi làm bài

Việc tập trung nghe phần giới thiệu trước khi vào làm bài sẽ giúp bạn xác định được topic (chủ đề) của bài. Qua đó, thí sinh có thể chủ động đoán được phần nào các thông tin cần điền sẽ là gì. Lưu ý, với các dạng bài IELTS Listening dù dạng bài nào thì bạn cũng nên có thói quen chú ý lắng nghe phần giới thiệu đầu tiên.

Bước 2. Đọc kỹ yêu cầu của bài

Hãy đảm bảo rằng, bạn đã đọc kỹ yêu cầu của đề bài, để tránh mắc những sai lầm không đáng có. Ví dụ, nếu đề ghi rõ “NO MORE THAN THREE WORDS OR A NUMBER” thì bạn chỉ được điền nhiều nhất là 3 chữ hoặc số thôi nhé! Nếu bạn không chú ý và ghi nhiều hơn số từ mà đề bài yêu cầu, bạn sẽ mất điểm một cách rất đáng tiếc đó.

Bước 3. Đọc câu hỏi

Gạch chân các keywords trong câu hỏi, thường là các danh từ và động từ vì đó sẽ là những từ được nhắc đến trong bài nghe. Đọc câu hỏi và xác định các thông tin liên quan đến câu trả lời. Ví dụ:

  • Đó là tên riêng, là số điện thoại hay số postcard, hay thời gian
  • Đó là danh từ, tính từ hay động từ
  • Đó là danh từ số ít hay số nhiều.

Hãy cố gắng để đoán đáp án nhiều nhất có thể trước khi bạn bắt đầu nghe – đó sẽ là những chìa khoá giúp bạn xác định được câu trả lời một cách chính xác nhất đó!

Bước 4. Xác định Keywords

Keywords trong dạng bài này được chia làm 2 loại:

Keywords Loại 1: Chính là tên riêng, các đơn vị, từ chuyên ngành hay code nào đó. Với loại keyword này, bạn cần tập trung lắng nghe và ghi nhớ cả cụm từ để điền thật chính xác nha!

Keywords Loại thứ 2 là loại rất dễ bị paraphrase, đó là các thông tin thông thường. 

Thí sinh chỉ có 30s để nghe và xác định được từ cần điền. Vì vậy bạn nên tìm và khoanh tròn các keywords loại 1 trước. Việc này sẽ giúp bạn dễ dàng xác định được thông tin đang cần nghe sắp tới chưa, đã tới chưa….Nếu các câu hỏi chỉ toàn keywords loại 2 thì sao? Đừng lo, vì bài nghe sẽ diễn ra theo thứ tự, bạn chỉ cần tập trung thì sẽ không sợ bị “miss” thông tin đâu nha!

Bước 5. Làm bài 

Lưu ý là bạn nghe được câu nào thì bạn nên viết lại ngay nhé. Bạn cũng nên nắm vững nguyên tắc: LUÔN LÀM 2 CÂU MỘT LÚC. Bạn nên cố gắng luôn phải nắm thông tin 2 câu hỏi cùng lúc, đề phòng câu trả lời nằm ngay sát cạnh nhau. Chiến thuật làm bài IELTS Listening luôn là như vậy, áp dụng cho mọi dạng bài Listening chứ không riêng gì dạng Form Completion này đâu nha!

  1. Tips “chinh phục” dạng Form Completion.

  • Với các đơn vị đo lường, bạn không cần ghi đầy đủ như kiểu xen ti mét (centimetres) mà chỉ cần ghi cm. Lưu ý, nếu trong form có ghi đơn vị ngay sau chỗ trống rồi thì bạn không cần ghi thêm nhé!
  • Đề thi không bao giờ yêu cầu bạn quy đổi các đơn vị kiểu như inches ra centimetres đâu. Vì vậy bạn cứ thoải mái, không cần phải lo lắng và tốn hơi tốn sức đi học mấy cái quy đổi đó.
  • Viết sai chính tả đồng nghĩa với việc câu trả lời của bạn sẽ không được tính điểm. Vì thế, hãy dành ra 10 phút cuối để chuyển đáp án ra tờ giấy thi – answer sheet) một cách chính xác nhất nhé!
  •  Các câu mà bạn còn phân vân về chính tả, hãy dành cho 10 phút cuối. Nếu không bạn sẽ không còn đủ thời gian để chuyển sang đọc phần sau đâu nhé.
  • Nếu bạn bị bỏ lỡ thông tin, đừng lo lắng! Hãy cố gắng lấy lại sự tập trung vào bài làm của mình. Bạn cần lắng nghe keywords xem bài nghe đang nhắc đến câu nào và bắt đầu nghe tiếp từ câu đó. 
  • Lưu ý quan trọng nhất, bạn nên luyện tập các dạng bài thường xuyên. Vì nếu bạn đã nắm vững lý thuyết nhưng lại “lười” thực hành thì dù bạn có biết nhiều “chiến thuật” đến đâu, bạn cũng sẽ khó mà đạt điểm cao được, phải không?

EFA Việt Nam hy vọng rằng, bài viết chia sẻ này sẽ giúp các bạn hiểu thêm về IELTS Listening dạng Form Completion. Hãy luyện tập thường xuyên để luôn tự tin làm bài và đạt điểm cao trong các bài thi IELTS nha!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.