Một trong những khó khăn lớn trong công cuộc chuẩn bị đi du học của bất kỳ ai không đơn thuần chỉ là việc lựa chọn trường, ngành học hay xác định chỗ ở…mà ngay từ khi “thai nghén” kế hoạch của mình, việc viết tự luận hay giới thiệu bản thân (thuật ngữ tiếng Anh có thể là Personal Statement, Statement of Purpose hay Motivation Letter) cũng là một vấn đề khiến các du học sinh phải hao tâm tổn sức. Để giúp các bạn cảm thấy dễ dàng và thuận lợi hơn khi tiến hành viết bài tự luận để xin học hay học bổng, trong bài viết này, EFA Việt Nam sẽ đưa ra một số tiêu chí, lưu ý và lỗi sai thường gặp trong quá trình viết Personal Statement.
Nội dung bài viết
1. Vì sao cần chuẩn bị Personal Statement?
Trên thực tế hiện nay, điểm số cao trong các kỳ thi tiêu chuẩn thường chưa đủ để gây được ấn tượng với các trường đại học quốc tế hàng đầu. Các trường đại học ngày càng chú trọng tới những yếu tố nhân văn, tính cách, tiềm năng phát triển, khả năng lãnh đạo, đóng góp cho cộng đồng…của các ứng viên. Vì vậy, bài tự luận (Personal Statement) đã trở thành một trong những phần quan trọng nhất của bộ hồ sơ đi du học bởi đó chính là nơi để du học sinh thể hiện được những thế mạnh độc đáo của bản thân và khẳng định mình là ứng cử viên thích hợp của trường.
2. Personal Statement là gì?
Bài luận cá nhân (thuật ngữ tiếng Anh có thể là Personal Statement, Statement of Purpose – SOP hay Motivation Letter) là 1 bài văn ngắn khoảng 500-1000 từ, với nội dung trình bày về bản thân và lý do bạn muốn xin học (hoặc xin học bổng). Đây là một phần không thể thiếu của bất kỳ loại hồ sơ xin du học nào, đăc biệt tại Anh và Mỹ.
Nhiệm vụ chính của bạn khi viết bài luận này là thể hiện cá tính của bản thân và thuyết phục hội đồng xét tuyển rằng cậu xứng đáng có được cơ hội tham gia vào khóa học đó/ nhận học bổng đó. Chính vì vậy, trong nhiều trường hợp, đây là phần quan trọng nhất để quyết định “sức nặng” của bộ hồ sơ. Một profile với thành tích khủng nhưng bài luận lỏng lẻo thiếu thuyết phục (hoặc quá bất hợp lý) sẽ không được đánh giá cao bằng một profile khá nhưng đi kèm với một bài luận tốt.
Vai trò của Personal Statement:
Một bài tiểu luận ngắn đại diện cho chính bạn, với tư cách là một ứng viên tiềm năng cho 1 cơ hội nào đó bằng cách làm nổi bật ưu điểm và kinh nghiệm cá nhân để chứng minh bạn thực sự phù hợp.
Để viết được một bài tự luận ưng ý, bạn cần đầu tư thời gian. Đừng tham vọng rằng mình có thể viết được một bài luận tốt chỉ sau một vài tiếng đồng hồ. Hãy tưởng tượng bài luận cũng giống như một chương trình quảng cáo mà sản phẩm cần giới thiệu ở đây chính là bản thân bạn. Bởi vậy yêu cầu đặt ra là bạn cần viết như thế nào để có thể “phô” ra được rõ nhất những nét riêng cá tính, phong cách cộng với ưu điểm và khả năng của mình.
Tuy nhiên khó khăn sẽ là phải làm nổi bật được những điều ấy trong một giới hạn rất vừa phải về số lượng câu chữ, càng ngắn gọn thì bài luận của bạn sẽ càng được đánh giá cao về tính súc tích. Vì vậy, bạn cần đầu tư thời gian và công sức cho từng câu, từng ý trong bài luận của mình.
3. Nội dung khái quát của một bài Personal Statement.
Cũng giống khi viết một bài văn nghị luận thông thường, để bắt đầu viết bài tự luận giới thiệu bản thân, bạn cần hình thành những luận điểm chính thật mạch lạc, rõ ràng. Một cách khái quát, bài luận phải trả lời được các câu hỏi cơ bản sau:
- Why: Tại sao bạn lại muốn đi du học? Tại sao chọn trường này? Khóa học này?
- What: Khóa học này sẽ đem lại cho bạn những gì? Kỳ vọng của bạn ra sao?
- How: Bạn sẽ ứng dụng những điều bạn học như thế nào sau khi kết thúc khóa học?
4. Làm sao để bài viết Personal Statement trở nên ấn tượng nhất?
Để bài luận Personal Statement trở nên “ấn tượng” trong mắt người chấm, bên cạnh các ý chính trên thì cần thể hiện được những nội dung sau:
- Tại sao bạn phù hợp với khóa học? Thành tích, Kinh nghiệm, Đam mê sở thích hay một động lực đặc biệt nào đó…
- Tiềm năng phát triển/Hướng nghiên cứu của bạn sau khi kết thúc khóa học (Điều này đặc biệt quan trọng với các học bổng thạc sỹ và học bổng nghiên cứu).
- Thể hiện được sự logic, gắn kết giữa thành tích học tập, hoạt động xã hội, kinh nghiệm làm việc cho tới động lực và hướng phát triển trong tương lai. Ví dụ như bạn học chuyên ngành Kinh tế cấp đại học và muốn xin học bổng về Marketing thì phải thể hiện tại sao lại có sự chuyển lĩnh vực học lên cao. Tất cả những động lực kể cả động lực cá nhận đều được đánh giá, xem xét và cân nhắc.
Lưu ý:
- Tham khảo càng nhiều càng tốt các bài tự luận mẫu hoặc đã thành công trong việc xin học/học bổng du học. Cái bạn cần tham khảo không phải là câu chữ mà là ý tưởng, cách trình bày và cấu trúc của bài viết. Riêng việc xin học bổng thì hơi khác một chút vì rất nhiều ví dụ thành công cho thấy đơn xin học bổng thành công thường có cấu trúc rất khác biệt và một số thành phần không nhỏ trong số này thường là những câu chuyện về quyết tâm, nỗ lực vào khao khát thành công.
Xem thêm: Viết Personal Statement sao cho chuẩn?
5. Những lưu ý trong khi viết bài luận Personal Statement.
Sau khi đã hình thành được những ý tưởng về bài Personal Statement của riêng mình, khi bắt tay vào viết, bạn hãy chú ý những điều cơ bản sau:
a. Hãy chọn cách mở bài thật ấn tượng:
Sao chép từ các bài tự luận mẫu không phải là sự lựa chọn sáng suốt. Sự dài dòng, khô khan cũng sẽ khiến các ban tuyển sinh cảm thấy nhàm chán và có ấn tượng không tốt ngay từ đầu, bởi trước mắt họ không đơn thuần chỉ có một vài bài luận mà là cả một “núi” những “tác phẩm quảng cáo” của rất nhiều ứng viên. Vì vậy hãy tận dụng mọi khả năng sáng tạo của bạn để gây được sự lôi cuốn và thuyết phục ngay từ những dòng đầu tiên.
b. Chọn lọc những thành tích nổi bật và có liên quan trực tiếp đến khóa học mà bạn đang muốn xin học/học bổng du học:
Ngoài ra, không nên chỉ nêu thành tích của bạn một cách đơn thuần mà hãy tập trung thể hiện nỗ lực của bạn để có được những thành tích đó, nó có ý nghĩa gì cho tương lai của bạn.
c. Kinh nghiệm bản thân:
Có thể là kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm hoạt động tình nguyện, hoặc các hoạt động ngoại khóa mà bạn tham gia… Lưu ý bạn chỉ nên chọn những kinh nghiệm có liên quan tới ngành nghề, lĩnh vực du học cũng như mục đích tương lai của bạn.
d. Trình bày về những ước mơ, dự định trong tương lai và lý do bạn quyết định chọn khóa học này một cách “thông minh”:
Đây chính là phần bạn có thể tự do thể hiện mình nhất. Bạn có khả năng gì và mong muốn trở thành con người ra sao? Khóa học bạn chọn sẽ giúp gì cho bạn trong việc thực hiện mơ ước đó? Hãy thuyết phục hội đồng xét duyệt rằng khóa học của họ là con đường tốt nhất đưa bạn đến được với những hoài bão của mình và bạn có đủ năng lực để bước đi và thành công trên con đường đó.
Sau khi hoàn thành bài luận, đừng vội nộp ngay. Hãy tìm đến với những người thực sự hiểu bạn hoặc những người có kinh nghiệm như thầy cô giáo hoặc giáo sư của bạn để nhận được những ý kiến đóng góp xác đáng giúp cho bài luận hoàn chỉnh hơn.
Bạn cũng nên lưu ý tới các lỗi chính tả. Tốt nhất là bạn nên nhờ những người giỏi tiếng Anh xem và giúp bạn sửa lỗi. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng công cụ hỗ trợ kiểm tra ngữ pháp và lối diễn đạt trong tiếng Anh từ ứng dụng như Grammaly, Gingersoftware.
Lời kết:
Để viết một bài luận cá nhân thực ra không phải đơn giản và dễ dàng. Tuy nhiên, có một điều mà có thể bạn chưa nghĩ tới: việc viết bài luận cá nhân thực ra lại rất có lợi cho chính bạn trên con đường tìm hiểu bản thân. Trên đây là những thông tin tham khảo phục vụ cho quá trình viết luận chuẩn bị đi du học và xin học bổng của các ứng viên. EFA Việt Nam chúc bạn có một bài tự luận súc tích và đầy tính thuyết phục.
Nguồn tham khảo: https://www.youtube.com/watch?v=wy4bEL85mDU&feature=youtu.be
Hy vọng qua bài viết trên, EFA Việt Nam có thể giúp bạn thêm phần vững vàng hơn trong việc chuẩn bị hành trang du học của mình. Đừng quên liên hệ ngay tới EFA Việt Nam để được tư vấn chọn ngành, chọn trường, hỗ trợ thủ tục xin visa du học cũng như các vấn đề liên quan tới học bổng,… EFA Việt Nam xin chúc bạn thành công!