Có lẽ với hầu hết các du học sinh, việc học tập, sinh sống ở một đất nước hoàn toàn xa lạ không phải là một điều dễ dàng. Trong đó, “sốc văn hóa” chắc chắn là một vấn đề mà ai cũng phải trải qua, nhất là giữa hai nền văn hóa có nhiều điểm khác biệt như Mỹ – Việt Nam. Ở bài viết này, EFA Việt Nam sẽ chia sẻ một vài bí kíp giúp bạn khỏi bỡ ngỡ để hòa nhập nhanh hơn ở môi trường mới!
Nội dung bài viết
1. Văn hóa giao tiếp
Tại Mỹ, việc chào hỏi khá là thoải mái. Khi gặp người lạ, nếu đi một mình hãy nở một nụ cười và giới thiệu tên của mình, còn nếu đi cùng một nhóm thì hãy giới thiệu tên của các bạn còn lại. Khi bắt tay nhớ sử dụng cả bàn tay chứ không nên chỉ dùng mấy ngón tay để thể hiện sự nhiệt tình, thân thiện.
Trên phim ảnh, bạn có thể thấy người Mỹ thường hay bắt tay khi gặp nhau, hay có thể ôm, cọ má, thậm chí là hôn nhẹ lên má nhau. Nhưng đó là những trường hợp đã quen và thân thiết nhau và bạn nên sử dụng hình thức này đúng lúc.
Lưu ý: Trong lần đầu tiên gặp nhau, bạn không nên hỏi những thông tin liên quan đến tuổi tác, nghề nghiệp, gia đình hay thu nhập bởi người Việt Nam có thể thấy đó là sự quan tâm lẫn nhau nhưng ở Mỹ thì đó lại là những câu hỏi bất lịch sự.
2. Văn hóa làm việc
Tại nước ngoài, trong đó có quốc gia Mỹ luôn đề cao tinh thần làm việc của nhân viên trong đó có yếu tố về việc tuân thủ nội quy giờ giấc. Vì thế khi đã xác định làm việc dù là đi làm thêm cho chủ lao động là người Mỹ thì hãy cố gắng đến đúng giờ, thậm chí nếu được có thể đến sớm hơn để chuẩn bị sẵn sàng tinh thần cho công việc.
Trong trường hợp nếu có việc đột xuất và biết chắc chắn sẽ đến muộn thì nên chủ động liên lạc để thông báo với chủ lao động sau đó kèm theo là lời xin lỗi. Đặc biệt là phải có lời hứa hoàn thành sớm công việc được giao trong ngày hôm đó.
3. Văn hóa ăn uống
Không phải ai cũng dễ dàng ăn đồ “Tây” hàng ngày như người Mỹ. Họ sẽ không ăn cơm mỗi bữa hàng ngày như người Việt Nam, mà thay vào đó là bánh mì, pizza, mì ý,…Nếu đi ăn ở các nhà hàng tại Mỹ, bạn sẽ thấy người bản xứ hay cầm dĩa tay phải, nhưng nếu bạn cầm tay trái thì cũng không ai kỳ thị bạn cả. Đặc biệt, họ không dùng đũa để gắp thức ăn như ở Việt Nam.
Lúc đầu bạn có thể cảm thấy khó nuốt với thức ăn ở đây nhưng sau một thời gian làm quen có khi lại mê. Còn trong trường hợp bạn chỉ muốn ăn đồ ăn của Việt Nam thì cách đơn giản nhất là mua đồ về tự nấu ăn.
4. Đời sống sinh viên
Những trường Đại học ở Mỹ sẽ luôn chào đón các bạn tân sinh viên quốc tế. Mỗi trường sẽ có hệ thống và nhân viên sẵn sàng giúp đỡ du học sinh về đời sống hàng ngày cũng như trong học tập. Trong quá trình học tập nếu không hiểu hãy mạnh dạn trao đổi và hỏi đáp trực tiếp với giáo viên hoặc những bạn học cùng lớp.
Hơn nữa, ở Mỹ cũng có một số cộng đồng du học sinh, bạn có thể tham gia vào các hội này để làm quen, và gặp gỡ những người bạn mới.
Các trường tại đây hội tụ sinh viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới tạo nên môi trường đa văn hóa. Đây chính là cơ hội để các bạn được giao tiếp, được tiếp cận với nền văn hóa mới để trau dồi thêm những kiến thức về xã hội.
5. Phong cách ăn mặc
Nếu như ở phương Đông, hay cụ thể là Việt Nam thường câu nệ việc ăn mặc và hình thức bên ngoài thì ở Mỹ lại có phần thoải mái hơn. Sinh viên Mỹ đến trường sẽ có cách ăn mặc rất phóng khoáng và tự do không cầu kỳ như nhiều sinh viên tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu đến một buổi phỏng vấn cho khóa học hay xin việc thì hãy ăn mặc lịch sự nhé. Vì đây cũng là cách tôn trọng người đối diện đó!
6. Bảo vệ thiên nhiên và vật nuôi
Bạn có thể thấy việc bắt chim, đánh thú nuôi tại Việt Nam rất bình thường nhưng ở Mỹ thì hành động này đáng lên án, nếu vi phạm có thể bị đuổi về nước. Ở nơi công cộng, bạn cũng không nên xả rác bừa bãi mà phải vứt rác vào đúng nơi quy định.
Hoặc nếu như việc giết hay ăn thịt chó ở Việt Nam là bình thường nhưng người Mỹ lại rất yêu động vật, coi chó hay mèo như một người bạn thân thiết và sẽ không bao giờ ăn thịt chúng.