Phong tục đón Tết Nguyên Đán ở từng nước luôn có những điểm khác nhau. Nhưng quan niệm chung nhất vẫn là Tết là khoảng thời gian sum họp của gia đình, người thân. Chính vì vậy ngày Tết không thể thiếu những bữa ăn đoàn viên thịnh soạn. Hôm nay hãy cùng EFA Viet Nam khám phá các món ăn truyền thống vào dịp Tết Nguyên Đán của các quốc gia châu Á. Thử xem món ăn của các nước này có gì khác so với Việt Nam nhé.

1. Bánh chưng – món ăn điển hình nhất của Tết cổ truyền Việt Nam

Bánh chưng có thể coi là loại bánh duy nhất có lịch sử lâu đời trong nền ẩm thực truyền thống Việt Nam. Theo quan niệm của cha ông, bánh chưng tượng trưng cho đất, còn bánh giầy tượng trưng cho trời. Sự tích về 2 loại bánh này gắn liền với nền văn hoá lúa nước của Việt Nam.

Nguyên liệu làm bánh bao gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn ướp hạt tiêu, lá dong. Cứ vào dịp Tết, mỗi gia đình Việt Nam đều gói ít nhất vài chiếc bánh chưng cúng tổ tiên. Hình ảnh cả nhà già trẻ lớn bé quây quần bên nồi bánh chưng sưởi ấm cả đêm đông đã vô cùng quen thuộc với người Việt.

2. Sủi cảo – món ăn có ý nghĩa đặc biệt trong ẩm thực Trung Quốc

Cũng như bánh chưng của Việt Nam, ngày Tết của người Trung Quốc không thể thiếu món sủi cảo. Đây là món ăn có nguồn gốc lâu đời và mang ý nghĩa đặc biệt trong tín ngưỡng Trung Hoa.

Người Trung Quốc lý giải, đường viền ngoài của bánh được gọi là viền phúc. Kéo hai đầu của hình bán nguyệt lại có nghĩa tựa như một nén bạc cầu mong cho cuộc sống sung túc, tiền bạc dư dả. Chính vì thế, bữa cơm tất niên hay mừng năm mới của người Trung không bao giờ thiếu sủi cảo.

3. Tteokguk – món ăn ngày Tết đặc trưng của Hàn Quốc

Tteokguk là món canh truyền thống được dùng vào dịp Tết Nguyên Đán ở xứ sở Kim Chi. Người Hàn Quốc thường mặc Hanbok, quây quần bên người thân và ăn món Tteokguk đầy ấm áp vào ngày đầu tiên của năm mới. Vì người Hàn Quốc tính tuổi theo năm mới mà không tính theo ngày sinh, nên việc ăn món canh này vào ngày đầu năm đồng nghĩa với việc bạn đã già thêm 1 tuổi.

Nguyên liệu làm Tteokguk bao gồm bánh gạo thái lát, thịt bò, trứng, rong biển và hành lá.

4. Yu Sheng – món ăn tượng trưng cho sự may mắn của người Singapore và Malaysia

Yu Sheng trong tiếng Hoa có ý nghĩa là dư dả, dồi dào. Món ăn này giống như salad kiểu châu Á bao gồm rất nhiều rau củ xắt nhỏ và cá sống thái lát mỏng (thường là cá hồi hoặc cá thu), sau đó rưới sốt lên trên. Các gia vị thêm vào trước khi ăn bao gồm: đậu phộng rắc bên trên tượng trưng cho vàng bạc đầy nhà, mè thể hiện sự thăng tiến chức vị, còn bột mì chiên hình cái gối biểu tượng cho chiếc gối vàng với lời chúc vàng đầy sàn nhà.

Thưởng thức Yu Sheng để đem lại may mắn và tài lộc là phong tục năm mới của người Hoa sống ở Malaysia và Singapore.

5. Bánh bao nhân thịt cừu và sữa ngựa – đặc sản Tết của người Mông Cổ

2 loại món ăn này cũng hiện diện trong bữa ăn thường ngày của người Mông Cổ. Chỉ có điều vào ngày Tết chúng được chăm chút, cầu kì hơn.

Tết của người Mông Cổ được gọi là Tsagaan Sar. Trong không khí ấm cúng đầu năm mới, các gia đình người Mông Cổ sẽ cùng nhau quây quần, thưởng thức bánh nhân thịt cừu nóng hổi và sữa ngựa lên men, đón chờ khoảnh khắc giao thừa và cầu chúc cho năm tới an lành, hạnh phúc.

Trên đây là những món ăn truyền thống của các quốc gia đón Tết theo lịch Âm ở châu Á. Tất cả đều vô cùng hấp dẫn phải không nào?

Tết này bạn hãy nhớ cùng gia đình ăn bánh chưng để thắt chặt tình cảm nhé. EFA Viet Nam chúc bạn một năm mới vui vẻ và hạnh phúc!


 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.